Search
en-USvi-VN
Search

Giải đáp thắc mắc một số vấn đề của người dân: Trẻ em cần bổ sung dinh dưỡng thế nào để phòng bệnh Covid-19? Dinh dưỡng tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà

Thùy Linh Nguyễn

I. Dinh dưỡng tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà

Câu hỏi: F0 điều trị tại nhà cần lưu ý những vấn đề dinh dưỡng gì để có sức đề kháng tốt nhất, nhanh khỏi bệnh?

Trả lời:

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam:

F0 điều trị tại nhà cần lưu ý bảo đảm cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối về cả năng lượng và các vi chất dinh theo nhu cầu của từng nhóm tuổi, tình trạng bệnh và khả năng dung nạp nhằm phòng ngừa teo cơ, suy dinh dưỡng và tuân theo các nguyên tắc sau: Ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường.

Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi có ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi... Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng.

Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng. Ăn bổ sung nhiều thực phẩm có chứa các vitamin nhóm B. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

Để đạt được mục tiêu cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho F0, cần bảo đảm đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm.

F0 không được hoặc hạn chế tối đa tình trạng bỏ bữa, cần ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ. Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <10% tổng năng lượng ăn vào).

Không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sỹ. Người có thể trạng gầy cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.

Bên cạnh việc bảo đảm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, F0 cũng cần được bảo đảm cung cấp một chế độ dinh dưỡng an toàn bao gồm: Tránh đồ ăn, uống có nhiều đường, nhiều muối, rượu, bia. Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh.

Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh khi chế biến thực phẩm. Luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Thực phẩm nên dùng

- Gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn,…

- Các loại hạt: đậu đỗ, vừng, lạc…

- Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa bột, sữa tươi, sữa chua…

- Thịt các loại, cá, tôm…

- Trứng và các sản phẩm từ trứng: trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút…

- Dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá,…

- Các loại rau: đa dạng các loại rau.

- Quả tươi: ăn đa dạng các loại quả

Thực phẩm hạn chế dùng

- Mỡ động vật, phủ tạng động vật.

- Các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối...).

- Các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt.

- Các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

II. Trẻ em cần bổ sung dinh dưỡng thế nào để phòng bệnh Covid-19?

Câu hỏi: Việc quan tâm dinh dưỡng cho trẻ em giai đoạn phòng dịch Covid-19 và tiêm chủng quan trọng như thế nào?

Trả lời: 

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam:

Trong giai đoạn phòng dịch Covid-19 và tiêm chủng, xã hội giãn cách, các trường học và khu vui chơi đóng cửa, do đó, trẻ cần phải thực hiện mọi hoạt động từ học tập đến vui chơi tại nhà, điều này khiến cho thời gian biểu của trẻ bị thay đổi so với trước đây.

Lúc này, điều quan trọng không chỉ đơn thuần là bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ theo các nhóm dưỡng chất mà cần bổ sung cân bằng và hợp lý các vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu và mức độ vận động của trẻ nhằm tránh dư thừa hoặc mất cân bằng dinh dưỡng gây thừa cân béo phì hoặc chán ăn do cảm thấy thực phẩm quá đơn điệu.

Ở nhà trong thời gian dài cũng khiến trẻ kém vận động, thường xuyên xem ti-vi, game, màn hình máy tính, điện thoại, kém giao tiếp, cùng với mất cân bằng dinh dưỡng hoặc dư thừa vi chất dinh dưỡng khiến cho trẻ càng gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì, tiểu đường, tim mạch và nhiều vấn đề khác.

Do đó, trong giai đoạn phòng dịch Covid-19 như hiện tại, trẻ cần được bảo đảm dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ, phù hợp với nhu cầu theo độ tuổi. Trẻ cần được đa dạng thực phẩm lành mạnh đến từ sữa, thực phẩm tươi sống, chế biến ngon miệng, hạn chế đồ ngọt, đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm được tích trữ trong tủ lạnh.

Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được bổ sung những thực phẩm có chứa các vi chất tăng cường miễn dịch gồm vitamin C, kẽm, probiotic... có trong các loại trái cây, rau củ tươi, thịt gia cầm, sữa chua... nhằm tăng cường sức đề kháng trước các loại virus nói chung và Covid-19 nói riêng, cùng với chuẩn bị cho trẻ thể trạng tốt nhất trước khi bước vào giai đoạn tiêm chủng (bao gồm cả tiêm vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

 

Print
1329 Rate this article:
No rating

Leave a comment

Name:
Email:
Comment:
Add comment

Name:
Email:
Subject:
Message:
x
Copyright 2024 by AGAPE MEDICAL GROUP Terms Of Use Privacy Statement
Back To Top